“Tiếp sức” cho môi giới bất động sản trước làn sóng bỏ nghề gia tăng
Làn sóng các môi giới bất động sản bỏ nghề đang gia tăng khi số lượng môi giới hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Thời gian qua khi thị trường bất động sản trở nên trầm lắng, nhiều môi giới gặp khó khăn trong công việc tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng, thậm chí một số môi giới phải chuyển hướng sang một công việc khác.
Theo ước tính của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80% ngay trong những tháng đầu năm 2023.
Việc môi giới nghỉ việc hoặc chuyển nghề được VARS lý giải do trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Với việc số lượng sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa gia tăng, dẫn đến lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc cũng tăng theo. “Môi giới không nhận được lương, không có thu nhập trong nhiều tháng vì không bán được hàng. Thêm vào đó, số đông môi giới bất động sản bỏ nghề thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính”- VARS lý giải thêm.
Không riêng môi giới bất động sản nói chung mà ngay cả môi giới bất động sản chuyên khu vực (hay còn được biết đến là môi giới thổ địa) cũng bị ảnh hưởng xu hướng thị trường hiện nay.
Xuất phát từ đó, để giúp các môi giới trụ được với nghề, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần xây dựng phương án Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra quản lý ngành nghề, quy định khóa học đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức định kỳ cho người môi giới. Bên cạnh đó, bổ sung thêm quy định đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản online, học dưới hình thức e-learning, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quản lý dịch vụ thông tin, dữ liệu bất động sản.
Cùng với đó, MGi PropTech cũng vừa khởi động chương trình “Tìm kiếm môi giới thổ địa 2023 trên toàn quốc, với đối tượng hướng đến là các môi giới bất động sản, diễn ra từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/05/2023.
Theo MGi PropTech, chương trình nhằm giúp các môi giới thổ địa gia tăng cơ hội bán hàng, thông qua việc kết nối thêm nhiều môi giới thổ địa khác; hỗ trợ môi giới thổ địa phát triển thương hiệu cá nhân, các kiến thức chuyên môn bất động sản và kỹ năng cho người làm môi giới…
Ngoài những giải pháp nói trên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn này, việc hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi là giải pháp quan trọng hơn cả, và chỉ khi thị trường phục thì các lĩnh vực cũng như ngành nghề khác “ăn theo” sẽ phục hồi.
Do đó, thời gian cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp gỡ khó cho ngành, trong đó quan trọng nhất là vấn đề vốn và cơ chế. Từ phía Chính phủ cũng đã có những động thái hỗ trợ cho ngành. Chẳng hạn như Nghị quyết số 58 ngày 21/04/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025″; hay Nghị định số 12 ngày 14/04/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023…
Riêng từ phía địa phương, ngày 18/5/2023, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã có công văn “thúc” các sở ngành sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư trên địa bàn. Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng lưu ý đối với các nhóm dự án có vướng mắc do cơ quan có thẩm quyền thuộc Trung ương chỉ đạo giải quyết, giao các đơn vị liên quan khẩn trương theo dõi và cập nhật tiến độ cho các doanh nghiệp bất động sản biết thông tin để phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quá trình kiến nghị, thụ lý giải quyết hồ sơ dự án.